Bạn có thể trở thành Product Manager khi chưa có kinh nghiệm không?

Bước vào một ngành nghề mới như Product Management mà không có kinh nghiệm trước đó vẫn là một nhiệm vụ khó khăn. Thực tế việc này rất khó, nhưng không thể không làm được.

Bạn có thể trở thành Product Manager khi chưa có kinh nghiệm không?

Tôi biết rất nhiều bạn và đồng nghiệp đã trở thành Product Manager từ nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh khác nhau. Chính tôi cũng bắt đầu công việc này với kinh nghiệm là con số 0 tròn trĩnh.

Câu chuyện này cũng tương tự như bao ngành nghề khác. Bạn vừa tốt nghiệp và bạn bắt đầu đi kiếm việc. Những công việc bạn nhắm tới thường được yêu cầu từ 1 đến 2 năm kinh nghiệm. Sự thật là rất khó để các công ty chọn CV của bạn mà không có kinh nghiệm trên lĩnh vực họ hoạt động.

Vì thế mà bạn tiếp cận dần sang các vị trí thực tập, tham gia các chương trình đào tạo của một số công ty (dạng như thi đầu vào) để từng bước có cái nhìn và sở hữu một chút “gì đó” làm hành trang cho sự nghiệp của mình.

Hai câu hỏi yêu thích của tôi khi phỏng vấn các ứng viên Product Manager là:

  • Tại sao bạn/em/anh/chị chuyển sang nghề này?
  • Nền tảng của bạn không có đủ điều kiện để bắt đầu nghề Product Management, hãy chia sẻ cách bạn đến với công việc này như thế nào.

Tôi quan niệm kiến thức thì có thể học được (tiếp nhận nó, Biết nó là gì) nhưng cái trải nghiệm của mỗi người sẽ khác nhau. Chính cái trải nghiệm đó là cái Hiểu, cái Thấy của mỗi bạn, từ đó bản thân tôi cũng sẽ soi chiếu lại cái Thấy của tôi để biết được rằng ứng viên có thật sự phù hợp với công việc mà công ty yêu cầu không.

Đối với ngành Product Management, tất nhiên cũng sẽ có 1 số cách tiếp cận nhất định để giúp bạn dò đường . Nhưng bạn cần phải có một số phẩm chất cụ thể mà vai trò Product Manager phải sở hữu trong sự nghiệp của họ.

Như vậy phẩm chất tiền đề ở đây đó là: Khi bạn chưa có kinh nghiệm, bạn chưa có cái Hiểu, chưa có cái Thấy được về ngành, về công việc. Vì vậy mà bạn cần phải có cái Biết trước tiên.

Làm sao để biết về ngành Product Management và các công việc của nó? Không có một công thức chung hoặc một con đường đi cố định cho tất cả mọi người. Phần tiếp theo của bài này là kinh nghiệm của tôi. Xin được chia sẻ với các bạn.

Chuẩn bị từ những việc nhỏ xung quanh mình

Điều cốt lõi: hãy đảm bảo rằng bạn có một số kinh nghiệm đã được chứng minh về quản lý dự án, tư duy chiến lược và làm việc với nhiều người với vai trò khác nhau trong dự án đó. Nếu không, hãy đi và làm thứ gì đó mang lại cho bạn trải nghiệm này, từ những thứ xung quanh cuộc sống của bạn.

Cách để chuẩn bị:

  1. Đầu tiên là tự học: học có nhiều cách để học. Cách đơn giản là bạn tham khảo các khoá học ngay trên menu của trang quanlysanpham.net. Các khoá học tôi giới thiệu chỉ là các kiến thức căn bản (lý thuyết thuần tuý). Ngoài ra bạn có thể học các khoá học tiếng Việt do một số bạn Product Manager tự thiết kế riêng để phù hợp với văn hoá học của người Việt.
  2. Nếu bạn cảm thấy việc học lý thuyết chưa phải là ưu tiên lúc này thì bạn cứ đi làm thứ gì đó thực tế nhất với hoàn cảnh hiện tại của bạn. Ví dụ: bạn chịu trách nhiệm lên kế hoạch sơn lại nhà với chi phí, số lượng nhân công, nguyên liệu, thời gian sơn và các công đoạn phải sơn. Nếu bạn ấp ủ một dự án như mở quán cafe hay mở bán nước ép giao tận nơi, hãy làm điều đó nếu bạn có đủ điều kiện.
  3. Tôi cũng đã từng làm nhiều dự án nhỏ như thế cho đến khi tôi bắt đầu mường tượng và “sense” được giữa những cái tôi đọc, tôi học từ trên mạng với những cái tôi biết từ chính các dự án đó.

Bắt đầu với việc học

Lúc này bạn phải tập trung việc học kiến thức Product Management. Cách học thì tôi đã chia sẻ nhanh ở phần trên. Điều quan trọng là bạn cần ý thức được người Product Manager cần xây dựng nền tảng tốt thông qua học tập.

Sự thật là kiến thức Product Management không nhiều, nhưng không nhiều không có nghĩa là “dễ” và “nhanh”. Không nhiều ở đây mang tính tương đối, nếu so với lịch trình học tập của bạn tại trường Đại học (3-4 năm)

Bạn không thể học FREE mãi mãi được. Đó là kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ. Bạn cần xác định mức chi phí và khoản đầu tư bạn có thể bỏ ra để chọn các khoá học chất lượng từ những người đã có ít nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Những người đã quen thuộc với công việc này có thể cải thiện những điểm yếu bạn có thể gặp phải thông qua các bài học do chính họ thiết kế.

Trong lúc học thì bạn (có thể) nhận một công việc khác

Thực tế bạn có thể xem xét khả năng nhận một công việc phù hợp với ngành nghề bạn vừa tốt nghiệp hoặc một ngành nghề mà bạn có đủ năng lực để làm, nhưng không phải là ngành Product Management.

Việc này xuất phát từ nhiều lý do. Có thể bạn cần tài chính để chi tiêu cho cuộc sống, hoặc đơn giản chỉ là trang trải cho các khoá học Product Management mà bạn đang theo đuổi.

Điều cốt lõi: Chuyển đổi công việc nội bộ

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là hai chữ: cơ hội. Cơ hội sẽ đến khi công việc hiện tại của bạn được luân chuyển sang một dạng công việc khác có liên quan đến Project Management hoặc Product Management. Khi có cơ hội như vậy, bạn hãy nhận lấy nó mà không cần phải do dự, trừ khi bạn không muốn hoặc còn phân vân theo nghề Product Manager này.

Nhưng để kiếm được một công việc gần với Product Management nhất thì phải làm sao? Một số kinh nghiệm cho bạn như sau:

  • Nếu bạn yêu thích sản phẩm công nghệ, bạn có thể làm một vị trí nào đó ở trong các công ty có các dạng sản phẩm này. Điều kiện cần là ngành bạn học hoặc ngành bạn tự học có thể giúp bạn kiếm được công việc ban đầu như vị trí thực tập.
  • Các vị trí như Marketing, BA là 2 vị trí có nhiều mảng chung với Product Management.
  • Nếu bạn trái nghề hoàn toàn, tức là bạn cần đọc lại phần đầu của bài viết này: Chuẩn bị trước kinh nghiệm làm quản lý dự án (bất cứ thứ gì) cho đến khi bạn đủ có cái Biết về công việc đó, sau đó bạn bắt tay vào việc học.

Nếu bạn làm việc cho một công ty mới thành lập hoặc một startup, bạn có thể đã đảm nhận một số nhiệm vụ của việc Product Manager mà không có chức danh cụ thể. Các công ty khởi nghiệp có xu hướng linh hoạt trong việc ai làm gì và đây có thể là cơ hội tuyệt vời để bạn khoác lên mình vai trò Product Owner hoặc Product Manager. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi chính thức tại công ty bạn đang làm việc, cần phải có một quá trình chuyển đổi nội bộ chính thức.

Trong trường hợp công ty bạn có quy trình rõ ràng về luân chuyển nội bộ, thì bạn nên làm như sau:

  • Tìm một dự án bạn có thể sở hữu từ đầu đến cuối. Hãy chắc chắn rằng bạn tham gia vào mọi thứ, từ nghiên cứu đến phân tích giải pháp để ra mắt dự án hoặc sản phẩm.
  • Tình nguyện đảm nhận các nhiệm vụ liên quan đến Product Management như một công việc phụ tại nơi làm việc. Những công việc phụ này ban đầu có thể là các công việc không tên, nhưng nó sẽ có ích cho bạn khi tất cả mọi người nhận thấy sản phẩm hoặc dự án của bạn ra mắt.
  • Khi bạn có được thành tựu đầu tiên thì hãy bắt đầu xây dựng profile cho riêng mình bằng cách tích luỹ thêm kinh nghiệm.

Điều tôi muốn nói ở đây chính là kinh nghiệm và kiến thức bạn có về thế giới của những công ty này, những startup này sẽ đủ để đưa bạn đến bước tiếp theo.

Các vị trí tiếp theo: BA, QA, CS, Project Manager, Product Marketing?

Có một số vị trí đầu vào mà bạn có thể ứng tuyển thử – BA, QA, Customer Service, Project Manager, Product Marketing.

Ở các vị trí này, bạn sẽ cần biết thông tin chi tiết về sản phẩm để có thể thực hiện thành công công việc của mình. Quản lý dự án cũng có thể là một cách tốt để bắt đầu nhưng những cách đó khó thực hiện hơn.

Giai đoạn này đòi hỏi bạn làm việc thật chăm chỉ. Đó là cách duy nhất để bạn có kinh nghiệm để đối chiếu lại những gì bạn học. Nếu bạn may mắn nhận được công việc Junior Product Manager ngay từ lúc này thì tôi chúc mừng bạn đã đủ hành trang để bước trên con đường Product Management .

Nếu bạn sẵn sàng làm việc chăm chỉ để chứng tỏ bản thân, nếu bạn muốn điều đó đến mức bạn sẵn sàng tiếp tục làm việc cho đến khi tìm thấy điều gì đó, thì cuối cùng bạn sẽ có được nó. Nếu bạn đang tìm kiếm một công việc dễ dàng nhưng kiếm được nhiều tiền, thì bạn đã đến nhầm chỗ. Thậm chí bạn cũng đang đọc nhầm bài viết của tôi.

Quản lý sản phẩm là công việc dành cho những người đam mê, và phải thật chăm chỉ.

Bắt đầu với công việc Junior Product Manager

💡
Bài đọc thêm: Chức danh, cấp bậc Product Manager.

Lúc này kinh nghiệm của bạn đã tạm đủ để đi vào con đường Product Management.

Một trong những nơi tốt nhất để bắt đầu tìm kiếm những công việc này là ở các công ty lớn hơn hoặc startup của bạn phát triển và mở rộng hơn, vì họ có xu hướng thiết lập sẵn hệ thống và các quy trình của mình nên bạn sẽ không phải đào sâu tìm hiểu và đóng nhiều vai trò như trước đây. Họ cũng có khả năng có những người Product Manager giàu kinh nghiệm hơn, những người mà bạn có thể học hỏi khi làm việc cùng.

Các vị trí có thể chuyển đổi sang Product Manager mà tôi chưa nhắc đến

Có 3 vị trí mà tôi chưa nhắc đến. Các vị trí này đòi hỏi bạn phải học và làm việc với 1 lượng thời gian tương đối trước khi chuyển đổi sang Product Management – nghĩa là bạn phải có kinh nghiệm trước đó rồi.

Tôi cắt nghĩa nhanh các điểm chính của các vị trí này vì nó không nằm trong khuôn khổ của bài viết này với các bạn chưa có kinh nghiệm từ đầu.

  1. UX Design: nếu bạn xuất thân từ nền tảng thiết kế UX/UI thì đây có thể là một quá trình chuyển đổi dễ dàng khi đảm nhận trách nhiệm của Product Manager.
  2. Data Analysis: vai trò này có kỹ năng phân tích dữ liệu là yêu cầu cốt lõi để thành công với vai trò Product Manager. Với nền tảng về phân tích dữ liệu, bạn có thể nhanh chóng sàng lọc và đánh giá dữ liệu thu được từ việc sử dụng sản phẩm, thiết kế giải pháp lấy khách hàng làm trung tâm và đưa ra dự đoán dựa trên dữ liệu.
  3. Engineer: chuyển đổi từ Engineer sang Product Management cũng là một quá trình đòi hỏi phải thay đổi thái độ và cách nhìn mới về sản phẩm

Product Management có phù hợp với tôi không?

Trước khi bạn cố gắng thâm nhập và tìm hiểu vào lĩnh vực quản lý sản phẩm, hãy đánh giá trung thực về động lực của bạn và xem xét liệu bạn có điểm mạnh để hoàn thành tốt công việc hay không.

Tôi hy vọng hướng dẫn này cung cấp cho bạn một lộ trình cụ thể để bạn có thể bắt đầu, nhưng tôi biết rằng việc tham gia vào ngành quản lý sản phẩm mà không có kinh nghiệm trước đó vẫn có thể là một nhiệm vụ khó khăn.

Đó là lý do tại sao tôi luôn khuyến khích việc học tập để có cái Biết về ngành, về công việc, rồi từ đó bạn sẽ trải nghiệm để dần có cái Hiểu, cái Thấy sâu sắc hơn về sự nghiệp mà bạn chọn.

Bonus: Lộ trình học tập của Product Manager – chia sẻ bởi EMIL KABISCH

Bên dưới là một bản tóm tắt dạng mind-map do Emil Kabisch biên soạn. Lộ trình này tập trung vào con đường phát triển công việc của một SaaS/online marketplace Product Manager. Tuỳ thuộc vào công việc và sản phẩm bạn đảm nhận, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh riêng con đường đi của riêng mình.