Chức danh và hệ thống cấp bậc của Product Manager
Vào năm 2018, Martin Eriksson đã tìm cách làm sáng tỏ sự nhầm lẫn xung quanh các chức danh và thâm niên của công việc Product Management.
Lưu ý: chức danh (job title) và hệ thống cấp bậc (level) tại mỗi công ty có thể khác nhau. Có công ty không đặt chức danh và cấp bậc theo số năm kinh nghiệm thuần túy mà nhiều khi việc đặt ra cấp bậc chỉ để phục vụ tuyển dụng. Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, động viên các bạn nỗ lực phấn đấu trên con đường Product Management.
Update: bài này tôi viết từ 9/12/2022, tôi đã dùng sai từ ngữ khi nói về chức danh và cấp bậc.
Cập nhật 23/11/2023: Nói lại về Chức danh - Chức vụ
Đầu tiên cần phân biệt Chức danh và Chức vụ.
Tóm lại chức danh thuần túy nói về chuyên môn, còn người có chức vụ phải trải qua quá trình thử thách, được công nhận bởi công ty về những thành tựu đã đạt được.
Khi bạn đọc các tin tức tuyển dụng về job Product Manager bao gồm Junior/Senior hay Associate Product Manager thì bạn hiểu các công ty này đang tuyển dụng nhân viên có chức danh nói chung là Product Manager.
Lấy ví dụ từ bản thân thì tôi có chức danh là Product Manager, ở một số thời điểm mọi người có thể gọi tôi là Huy - Senior/Principal Product Manager đều được. Chữ Senior/Principal có thể được hiểu theo mức độ đóng góp, thành tựu mà tôi đã cống hiến cho công ty. Ngoài ra nó cũng phản ánh số năm làm việc trên số lượng sản phẩm, dự án nhất định của một người.
Còn riêng về chức vụ, tôi có chức vụ là Manager - Quản lý. Có thời điểm tôi sẽ quản lý 1 vài bạn, có thời điểm tôi tập trung quản lý các sản phẩm để phục vụ mục tiêu của công ty.
Dưới đây là một số các cấp bậc chức danh - job title phổ biến mà các công ty công nghệ đang tuyển dụng tại Việt Nam, bài viết cũng chỉ giải thích về ý nghĩa của việc đặt tên theo từng cấp bậc.
Associate Product Manager
Đây là vị trí đầu tiên dành cho những người hoàn toàn mới. Nguồn gốc của việc đặt tên cho vị trí này đến từ chương trình Google Associate Product Manager Program. Đây là một chương trình học nghề phổ biến của các công ty công nghệ lớn ở Mỹ như Facebook, Google. Đối tượng chính của các chương trình này là các sinh viên sắp/vừa tốt nghiệp. Chương trình này sẽ phát triển các ứng viên này thành các vị trí làm việc toàn thời gian thông qua sự kết hợp giữa đào tạo và tham gia thực hành vào các dự án thực tế.
Tại Việt Nam thì tôi có dịp biết đến chức danh Associate Product Manager lần đầu tiên tại Tiki vào năm 2019. Tiki là một công ty thương mại điện tử (cũng là công ty công nghệ) có học tập một số lối đi của Amazon, Google nên vị trí này tồn tại cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên Tiki không có các chương trình APM như của Google. Sau đó vài năm thì xuất hiện The A Program của AIESEC với mục tiêu hướng đến việc kiến tạo 1 môi trường cho sinh viên. Hiện tại thì The A Program đang có các chương trình rất hấp dẫn và cực kỳ năng động cho các bạn trẻ để bắt đầu tìm hiểu vào mảng Product Management. Tôi cũng đã thử tham dự một khóa học miễn phí về AI Product Manager do The A Program tổ chức với sự tham gia của 2 Product Manager của Momo trong vai trò là mentor của buổi học.
Về mặt tuyển dụng tại Việt Nam thì vị trí này có thể được tuyển dụng đúng với tên gọi Associate Product Manager.
Junior Product Manager
Chức danh này không yêu cầu một Product Manager phải trải qua một chương trình đào tạo như vị trí Associate Product Manager. Thực tế việc học và trang bị kiến thức cho ngành Product Management vẫn còn khá mới mẻ nên những bạn đã có sẵn một số kinh nghiệm làm việc và xuất thân từ bất kỳ hoàn cảnh nghề nghiệp nào cũng có thể tiến đến vị trí Junior Product Manager này.
Thông thường vị trí này sẽ được kèm cặp và quan sát bởi một Senior Product Manager để đảm bảo công việc được giao tiếp và đồng bộ một cách thuận lợi. Những bạn Junior Product Manager ban đầu sẽ được chỉ định làm việc trên những tính năng hoặc sản phẩm đơn giản – trước khi đủ kinh nghiệm để thử sức ở các sản phẩm phức tạp hơn.
Về mặt tuyển dụng tại Việt Nam thì một số công ty có thể gộp cả vị trí Associate Product Manager và Junior Product Manager thành tên gọi duy nhất: Product Manager (Entry-level) hoặc Product Executive, Product Specialist. Cá nhân tôi khi lọc CV thì thường thấy những thuật ngữ như vậy.
Product Manager
Đây là chức danh phổ biến nhất hiện nay và độ phủ của nó rất rộng: có thể bao gồm hàng chục năm kinh nghiệm làm việc, những kỹ năng đặc thù để giải quyết các bài toán khó khăn nhất. Vì đây là chức danh phổ biến nên khi nói về Product Manager, điều quan trọng là phải xem xét họ đang quản lý sản phẩm nào. Ví dụ: nếu một Product Manager đang nắm phần tăng trưởng của Zalo về các chỉ số Kết bạn (theo mô hình kết bạn của Facebook) và có ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dùng, thì họ có thể có thâm niên và kinh nghiệm hơn một Product Manager tại một startup hoàn toàn mới.
Trong mười mấy năm làm việc trong ngành Product Management, tôi vẫn yêu thích tên gọi Product Manager này nhất. Mặc dù tôi có thể ghi trên Linkedin hoặc CV các chức danh như Senior Product Manager hay bây giờ là Principal Product Manager nhưng tôi vẫn thực sự nghĩ rằng sản phẩm nào mình đang xây dựng cho đối tượng nào mới là điều quan trọng nhất.
Senior Product Manager
Thông thường trong các ngành nghề khác, khi bạn làm việc trên 5 năm thì bạn có thể được gọi là Senior, việc này mang ý nghĩa ghi nhận đóng góp của bạn và tầm quan trọng của những sản phẩm bạn đã tham gia làm.
Hai chức danh Product Manager và Senior Product Manager thực chất có thể được gọi xen kẽ lẫn nhau tùy vào bản chất của sản phẩm lẫn phạm vi vấn đề của công ty đang đối mặt. Trong một số trường hợp thì việc đặt chức danh Senior cũng giúp các Product Manager hiểu được công việc của người còn lại.
Principal Product Manager
Về cơ bản khi bạn đã có kinh nghiệm làm qua các sản phẩm phức tạp thì tất cả các chức danh sau này có thể từ Senior Product Manager trở lên. Như tôi đã đề cập thì việc định nghĩa cụ thể chức danh hoàn toàn phụ thuộc vào bản chất và số lượng sản phẩm bạn làm. Vai trò Principal Product Manager là một vai trò chuyên sâu hơn của Senior Product Manager, nhằm đảm bảo mục tiêu của cả nhóm Product Management và của công ty được thực hiện.
Vị trí này không phổ biến ở các startup, ở các công ty lớn hơn thì vị trí này tùy thuộc vào bản chất sản phẩm mà công ty đang muốn đưa ra thị trường. Bản thân từ Principal cũng đã giải thích được ý nghĩa của vị trí này: sản phẩm quan trọng, mang tính quyết định đường hướng kinh doanh của công ty.
Về bản chất vị trí Principal Product Manager là vị trí hoàn toàn độc lập, không có chức năng quản lý con người. Điều duy nhất phân biệt Principal Product Manager với Head of Product hoặc Product Lead là họ không dành toàn thời gian vào việc giám sát công việc quản lý hàng ngày giữa các Product Manager với nhau.
Điều này sẽ gây ra sự khó hiểu vì bản thân từ Manager trong Product Manager đã bao gồm nhiều chức năng quản lý. Tuy nhiên có 2 con đường mà một Product Manager có thể chọn để hình thành nên sự nghiệp:
- Đóng góp trực tiếp vào sự thành công của công ty (tầm nhìn, chiến lược, mục tiêu) mà không cần phải thực hiện hoặc chịu sự giám sát quản lý nào.
- Quản lý truyền thống: chịu trách nhiệm quản lý và không đóng góp trực tiếp vào việc quản lý kinh doanh.
Principal Product Manager sẽ đi theo con đường thứ 1. Như vậy một Principal Product Manager sẽ làm gì? Hiện tại tôi đang công tác tại Tiki với vai trò Principal (nhưng chức danh của tôi vẫn là Product Manager), cụ thể nếu bạn xem qua Linkedin của tôi sẽ hình dung được các công việc tôi đã phụ trách tại Tiki:
- Xây dựng chiến lược sản phẩm, chịu trách nhiệm cho lộ trình sản phẩm của mảng Digital Services, Insurtech.
- Hợp tác chặt chẽ và align với các quản lý cấp cao của các hệ thống vận hành như Seller Center, OMS, Catalog, Data.
- Đại diện cho tiếng nói của khách hàng.
- Đánh giá performance về mặt vận hành của các sản phẩm/tính năng.
Xét về mặt tuyển dụng thì chức danh Principal Product Manager không phổ biến bằng Senior Product Manager.
Product Lead/Product Director/Head of Product
3 vị trí này được đặt tên tùy thuộc vào loại sản phẩm, cấu trúc của công ty. Trừ vị trí Head of Product là vị trí sẽ quản lý về mặt con người thì 2 vị trí Product lead, Product Director sẽ vẫn phải tập trung vào việc phát triển sản phẩm và làm việc sát sao với các bạn Product Manager khác. Ở một số trường hợp cụ thể thì vị trí Product Lead, Product Director vẫn có thể là vị trí quản lý con người. Kinh nghiệm của tôi thì việc quản lý con người thậm khí còn khó khăn hơn quản lý sản phẩm.
Nói thêm về vị trí Head of Product, ở các công ty lớn khác thì vị trí này có thể được gọi là VP Product – có thể được trao quyền quản lý ngân sách team, và phải có trách nhiệm tham gia vào việc tính toán P&L với business.
Bạn chọn con đường nào?
Đối với bạn mới bắt đầu như sinh viên vừa tốt nghiệp thì bạn có thể theo dõi các kênh của The A Program hoặc kênh Zalo PTM để đăng ký các chương trình đào tạo làm Product Manager. Nếu bạn rẽ ngang để sang ngành Product Management này thì có thể bạn sẽ phải tự học kiến thức, cách nhanh nhất là mua sách để đọc (tiếng Anh), mua các khóa học Product Management chất lượng từ các Product Manager có kinh nghiệm ở các công ty công nghệ để rút ngắn thời gian học của bản thân. Ngoài ra bạn có thể lên https://quanlysanpham.net/ để tra cứu lại kiến thức.
Tất nhiên hầu hết các công ty không cần đủ cấp bậc Product Manager trong bài viết này. Chỉ khi công ty phát triển, sản phẩm phát triển thì lúc đó mới khuyến khích được việc tổ chức các cấp độ Product Manager phù hợp hơn, xét theo mục tiêu của công ty – ngắn hạn lẫn dài hạn.
Comments ()