Công việc mỗi ngày của Product Manager
Trong bài này, chúng ta sẽ thấy rằng, một ngày thông thường của Product Manager, không chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ mà còn phải xử lý nhiều vai trò khác nhau. Là người quản lý sản phẩm, bạn cần có trực giác về những nhu cầu và sự thay đổi, đồng thời phải làm nhiều việc cùng một lúc (đa nhiệm)
Vai trò của các Product Manager cũng khác nhau dựa trên việc bạn đó đang chịu trách nhiệm phát triển sản phẩm cho phân khúc B2B hay B2C của thị trường.
Điều này sẽ dẫn đến sự khác nhau về các thói quen, lịch trình công việc và những dạng công việc hàng ngày của Product Manager. Tuy có khác biệt là thế nhưng đối với Product Manager, một ngày điển hình của họ thường có những điểm chung sau đây:
- Họp, họp, và họp (meeting): Product Manager phải họp daily, họp các buổi chia sẻ thông tin và cập nhật tình trạng công việc hàng ngày với các bên liên quan (stakeholder). Ngoài những buổi họp mang tính chất khuôn khổ (như daily, planning, grooming của mô hình Agile) thì Product Manager sẽ phải tham gia các buổi họp khác về phân tích sản phẩm với các nhóm khác nhau từ kinh doanh, marketing đến team làm giải pháp kỹ thuật.
- Quản lý các mối quan hệ trong công việc: Tổ chức các cuộc gặp trực tiếp với các đối tác của họ như các bên liên quan, đối tác bên ngoài và các Product Manager khác. Các cuộc họp và tương tác này cho phép toàn bộ Product Manager làm việc trên một hoặc nhiều loại sản phẩm được đồng bộ hóa, chia sẻ các kế hoạch có liên quan với nhau, và ưu tiên các vấn đề về chiến thuật lẫn nhân sự.
- Tương tác với khách hàng (trực tiếp hoặc gián tiếp): Cập nhật và xử lý các vấn đề đến từ khách hàng và lắng nghe xem liệu các ý kiến từ khách hàng có thể giúp sản phẩm tốt lên ở mức độ nào.
- Dành thời gian để lên kế hoạch, xem lại kế hoạch hiện tại: Hầu hết các vấn đề về sản phẩm đều liên quan đến độ ưu tiên, kế hoạch kinh doanh và cách đưa sản phẩm ra thị trường. Một điểm quan trọng khác cần Product Manager đánh giá lại kế hoạch triển khai đó là tính khả thi về giải pháp kỹ thuật.
- Xem lại độ hiệu quả của sản phẩm: sử dụng các công cụ phân tích hoặc các nguồn dữ liệu khác nhau để đánh giá tình hình hiện tại của sản phẩm.
Tuy trông có vẻ khuôn khổ nhưng thực tế có rất nhiều điều khiến công việc Product Management trở nên thú vị. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào từng cá nhân. Dựa trên kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng khía cạnh thú vị của công việc Product Management nằm ở chính bản thân người Product Manager đó.
Một ngày của tôi ra sao
Hầu hết các buổi sáng, tôi thức dậy vào khoảng 6h – 6h30 sáng. Hai ưu tiên đầu tiên của tôi thường là tập thể dục và đi lại quanh nhà, thứ tự của các ưu tiên này phụ thuộc vào việc tôi dành cả ngày làm việc tại nhà hay lên công ty (hiện tại công ty áp dụng chế độ làm việc Hybrid). Có hôm thì tôi thể dục 15-18 phút sau khi từ công ty về nhà, có hôm thì tôi thực hiện luôn và đi ăn sáng.
Nếu phải lên công ty, tôi sẽ kết hợp thể dục bằng cách đi lên và đi xuống khu vực làm việc 2 lần. Sau đó tôi kiểm tra Slack và Email.
Tôi là người rất thích buổi sáng. Trước khi covid lan rộng tại TP. HCM và công ty áp dụng chế độ làm việc tại nhà, tôi thường đến công ty lúc 7h-8h. Điều này sẽ giúp tôi hoàn thành một số công việc quan trọng trước khi thực sự hoà mình vào sự bận rộn với mọi người.
Mỗi ngày sẽ có một chút khác nhau. Tôi thường có mặt tại bàn làm việc lúc 8h đến 8h30 sáng (nếu làm việc tại nhà), với một ngày thông thường bao gồm 4-5 giờ họp, giao tiếp nhiều (bằng Slack, email) và một vài giờ tập trung làm việc và/hoặc dành thời gian suy nghĩ về cách làm một tính năng mới . Nếu có thể, tôi cố gắng lên lịch trước cho ngày hôm nay và ngày hôm sau của mình và thực hiện một số hoạt động nhất định mà có thể dứt điểm được ngay (ví dụ: gửi email, trả lời các vấn đề về khách hàng)
Những việc tôi có thể giải quyết trong 5 – 30 phút, tôi không để quá thời gian 1/2 buổi sáng hoặc chiều trong ngày mới giải quyết.
Thời gian buổi sáng trước khi mọi người tấp nập vào làm là khoảng thời gian từ 8:30 đến 9:30. Trong vòng 1 giờ đồng hồ này, tôi có thể tập trung viết PRD hoặc viết mô tả tính năng cho kế hoạch sắp tới.
Nếu không phải viết tài liệu sản phẩm, tôi sẽ tham gia các buổi họp và rà soát lại Slack, Email ngay trong buổi sáng. Mục tiêu của tôi là đảm bảo rằng tất cả các tin nhắn quan trọng trên Slack và email, nếu có thể, nên được xử lý trước khi tôi về nhà.
Vào buổi chiều, tôi cố gắng sắp xếp thời gian để nhìn vào bản chất những sản phẩm tôi đang làm, sắp làm. Đôi khi bạn sẽ cần sự hỗ trợ đến từ các team kinh doanh, marketing hoặc team kỹ thuật.
Nghe có vẻ rất thử thách, nhưng phần này thực sự là một trong những phần yêu thích của tôi khi trở thành Product Manager vì nó giúp tôi luôn nỗ lực, buộc tôi phải đưa ra quyết định nhanh chóng, hợp tác với mọi người hiệu quả hơn và phải suy nghĩ nhanh hơn, tư duy nhanh hơn.
Có những ngày tôi chỉ tham gia họp từ sáng đến tối. Khi một trong những giai đoạn bận rộn như thế này kết thúc, tôi sẽ nghĩ đến việc cần làm ngày hôm sau – nó giúp tôi tập trung lại.
Tại một thời điểm, tôi đã bỏ cafe (cafe sữa), chuyển sang uống cafe đen không đường. Nhưng thật không may, công việc này đòi hỏi sự đa nhiệm rất nhiều, đôi lúc bạn phải hoạt động với cường độ x2, x3 so với những ngày bình thường. Vì thế tôi nghĩ rằng tất cả các bạn đều yêu thích cafe khi làm công việc này.
Và vì tôi là người thích buổi sáng, nên tôi đã chọn Cold Brew làm thức uống để đảm bảo rằng tôi luôn đủ năng lượng để xử lý mọi việc quan trọng khi đó. Cold Brew là một sản phẩm giúp tôi không gặp tình trạng nhiều axit trong dạ dày như khi uống cafe sữa hoặc cafe đen. Đó là cách một sản phẩm tốt (Cold Brew) giúp một người làm sản phẩm như tôi trở nên tốt hơn.
Sẽ có những ngày bạn phải làm việc đến 8 – 9h tối, đó là khi bạn háo hức phát triển một sản phẩm mới, một mảng kinh doanh mới trên thị trường.
Mỗi ngày đều rất khác nhau, bạn thì sao?
Nếu tôi được phép khẳng định, tôi sẽ nói thế này: Quản lý sản phẩm là một công việc đáng yêu nhưng cũng đầy sự kỳ lạ. Bạn cần đảm bảo sự thành công của sản phẩm mà không có quyền kiểm soát trực tiếp đối với nó. Nếu bạn làm tốt, mọi người sẽ lắng nghe bạn.
Tôi muốn chia sẻ một vài điều đã trở thành nếp nghĩ của tôi hơn 10 năm qua, khi tôi dần nắm bắt được một số kinh nghiệm làm sản phẩm.
- Bạn sẽ có khả năng gây ảnh hưởng lên sản phẩm dễ dàng nhất khi những người khác cũng là một phần của quyết định.
- Đừng vội thay đổi kế hoạch ngay lập tức – hãy đảm bảo rằng tất cả mọi người, các bên liên quan (stakeholders) biết, nắm rõ về sự đánh đổi, những tác động lớn, nhỏ sẽ xảy ra. Hy vọng rằng tất cả chúng ta thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng với tư cách là Product Manager, chúng ta đại diện cho thị trường, không chỉ khách hàng của chúng ta. Đôi lúc bạn sẽ thấy mình bị mắc kẹt giữa việc đại diện cho thị trường và cố gắng thể hiện rằng bạn phản ứng nhanh nhẹn khi có yêu cầu mới đến từ khách hàng.
- Đừng vội nói “KHÔNG” – hãy đảm bảo bạn có thể nói chuyện trực tiếp với người có thể đưa ra quyết định hoặc người đưa ra yêu cầu để biết họ thực sự cần gì. Sau đó, trước khi trả lời có hoặc không, hãy chia sẻ với họ kế hoạch hiện tại của bạn là gì và tại sao bạn làm/không làm điều gì. Tất cả mọi người đều luôn biết rõ về sự đánh đổi.
- Luôn ưu tiên một khoảng thời gian cho bản thân để làm mới sản phẩm – Người phương Tây thích dùng từ “cân bằng”, tôi là người thích dùng từ của Phật giáo hơn: “quân bình”. Giữ mọi thứ cân bằng hay quân bình cho bản thân và điều đó cũng sẽ khiến bạn trở thành một người dễ chịu hơn khi làm việc cùng với người khác. Ngoài ra, không ai nhớ bạn đã đánh đổi những gì cho công việc, ngoại trừ bạn. Vì vậy hãy cho bản thân có thời gian để nhìn lại sản phẩm, đừng vội liên tục làm ra tính năng mới.
- Đã bao nhiêu lần giải pháp đến với chúng ta trong sự yên tĩnh của một thói quen như đi dạo, đạp xe, làm việc nhà hoặc thậm chí là đi tắm? Những khoảnh khắc mà bạn có thể bước ra khỏi sự bế tắc của suy nghĩ sẽ cho phép bạn nhìn mọi thứ từ một góc độ khác. Nó cho phép chúng ta nhìn mọi thứ một cách tổng thể hơn, bao quát hơn. Một khi đã nhìn được bao quát, bạn sẽ biết bạn cần làm gì trước.
Comments ()