Phần 1: Hiểu các loại metrics khi xây dựng & phát triển sản phẩm
Metric, tiếng việt là Chỉ số, dùng với mục đích đo lường, theo dõi và đánh giá sự hiệu quả của việc gì đó, được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau chứ không chỉ dành cho doanh nghiệp.
Tôi đã biên một bài về tài liệu hướng dẫn metric của Amplitude tại đây: https://www.quanlysanpham.net/huong-dan-chi-tiet-cua-amplitude-ve-product-metrics/ . Bảng hướng dẫn này khá đầy đủ và cũng khá sát với thực tế lúc này.
Trong bài này, tôi chia sẻ thêm về các hiểu biết cá nhân và trải nghiệm thực tế về metrics (chỉ số hay còn gọi là thước đo), tại sao chúng cần thiết và tại sao Product Manager nên tập trung vào các metrics này. Vì đây là từ thường dùng trong môi trường công việc của tôi và của các bạn, trong bài viết tôi sẽ luân phiên sử dụng "metric", "chỉ số" và "thước đo"
Trước hết tôi cần làm rõ rằng các metrics bản thân nó không phải là một cách để đo lường. Một chỉ số có thể được đo lường bằng nhiều cách khác nhau. Tôi nhóm các chỉ số này vào hai loại metrics: nhóm metric sản phẩm (product metrics) và metric tăng trưởng (growth metrics). Việc chia nhóm này sẽ giúp tôi hiểu các loại số liệu nào nên được sử dụng trong tình huống đặc biệt nào.
Product Metrics
Các chỉ số, số liệu về chính bản thân sản phẩm
Product Metrics: các chỉ số, số liệu về bản thân sản phẩm
Metric về sản phẩm sẽ giúp Product Manager trả lời các câu hỏi về bản thân sản phẩm đó. Những metrics này giúp bạn hiểu cách một sản phẩm chuyển đổi người dùng mới (new user) thành người dùng thường xuyên tương tác với sản phẩm (active user), người dùng trả tiền để sử dụng sản phẩm hay dịch vụ (paid user), lợi nhuận, đơn đặt hàng, v.v.
Khi nói về product metric, tôi sẽ sử dụng mô hình input, output và outcome để hình dung cách mà các metric này sinh ra. Bạn hãy xem một sản phẩm bất kỳ như một cái hộp chứa các quá trình xử lý thông tin (process) mà người dùng sử dụng để giải quyết vấn đề của họ. Bạn mở cái hộp ra, bỏ người dùng (new user) vào, bạn có thể lắc cái hộp để nó xử lý (process), sau đó bạn mở hộp ra và lấy người dùng ra, những người dùng này là những người thường xuyên dùng sản phẩm (active user)
Cụ thể hơn thì nó sẽ như hình vẽ bên dưới.
Như vậy thì chúng ta sẽ có các product metrics phổ biến nào?
- Tỷ lệ giữ chân khách hàng (retetion rate) giúp giải thích cách sản phẩm chuyển đổi người dùng mới (new user) thành người dùng đang hoạt động, người dùng có quay lại sử dụng sản phẩm (active user)
- Giá trị vòng đời khách hàng (customer lifetime value - LTV) giúp đo lường lợi nhuận mà người dùng mới tạo ra trong toàn bộ thời gian mà họ sử dụng sản phẩm.
- Tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate), ví dụ tỷ lệ chuyển đổi mua hàng (hoàn tất đơn hàng) giúp bạn hiểu cách sản phẩm biến người dùng mới thành khách hàng chịu trả triền để mua hàng.
Growth Metrics 📈
Chỉ số tăng trưởng phản ánh các hoạt động kinh doanh của công ty
Growth Metrics: phản ánh các hoạt động kinh doanh của công ty
Khác với Product metrics chỉ nói về bản thân sản phẩm, Growth metrics hay còn gọi là chỉ số tăng trưởng giúp bạn trả lời các câu hỏi vềhoạt động kinh doanh của công ty được xây dựng xung quanh sản phẩm đó đang ở mức độ nào. Các số liệu này bao gồm doanh thu, số lượng người dùng đang hoạt động, số lượng đơn đặt hàng hoặc cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ.