Sự tương đồng của Product Management với việc học võ (và các môn thể thao khác)

Không chỉ trong võ thuật mà trong các môn thể thao khác, việc làm chủ các kỹ năng của Product Management vẫn có những điểm tương tự như khi rèn luyện trong thể thao.

Sự tương đồng của Product Management với việc học võ (và các môn thể thao khác)
Không chỉ riêng Võ thuật mà Product Management còn có sự tương đồng với các bộ môn thể thao khác.

Trong bài viết trước đó, tôi có đề cập đến việc "trong Product Management, thực hành lại là khía cạnh quan trọng nhất". Bài viết này tôi sẽ làm rõ hơn dụng ý đó.

Hôm nọ tôi có dịp gặp lại một người bạn cũ, cuộc trao đổi dẫn đến một chủ đề thú vị: "Làm thế nào để trau dồi kỹ năng của mình để trở nên xuất sắc hơn" . Thú vị hơn nữa là người bạn lâu năm này có chia sẻ rằng anh đang học võ. Cuộc trò chuyện được ghi lại bên dưới.

— Anh bạn hỏi tôi rằng: Mày có biết mục đích của việc học võ thuật là gì không?

— Tôi (sau khi nhớ lại các bộ phim võ thuật và các tiểu thuyết võ hiệp của cố nhà văn Kim Dung) trả lời: Để tự vệ, bảo vệ bản thân chứ không hẳn là đánh người.

— Anh bạn nói tiếp: Thiếu một ý quan trọng nữa. Mục đích chính của võ thuật là cải thiện mọi lĩnh vực trong cuộc sống của con người. Võ thuật thường có mục đích kép là rèn luyện thể chất và tự vệ.

— Tôi bổ sung: Thế cái tên "Võ thuật" ý nghĩa là gì?

— Anh bạn: Cái tên "Võ thuật" ngụ ý phòng thủ hoặc chiến đấu.

— Tôi gật gù: Thế thì "Học võ thuật" nghĩa là học phòng thủ hoặc học cách chiến đấu?

— Anh bạn giảng lại: Chiến đấu không phải là mục đích của võ thuật, mặc dù từ "võ thuật” có nguồn gốc ngôn ngữ từ tiếng Latin “Martialis” (dùng để chỉ Thần chiến tranh trong thần thoại La Mã). Khi xem xét kỹ hơn chữ “mu” trong tiếng Trung được dịch thành từ “võ (martial)”, một kết luận khác sẽ xuất hiện.

— Tôi: Kết luận gì?

— Anh bạn chốt: Chữ “mu” trong tiếng Trung có nghĩa đen là “ngưng chiến đấu” hoặc “hạ vũ khí xuống”. Từ “nghệ thuật (arts)” trong võ thuật (martial arts) chỉ kỹ năng, hoặc sức sáng tạo. Sự kết hợp “võ thuật (martial arts)” có thể được hiểu là kết thúc xung đột một cách khéo léo. Hòa bình là mục tiêu cuối cùng của võ thuật.

Sự tương đồng trong Product Management

Thực sự tôi có những liên tưởng khá thú vị từ cuộc trò chuyện ngẫu nhiên trên: Mục tiêu chính của quản lý sản phẩm là phát triển các sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao hơn những sản phẩm đã có trên thị trường. Hay nói cách khác là chúng ta cần phải tăng hiệu quả giải quyết vấn đề của người dùng.

Theo lời của anh bạn tôi, mục đích chính của võ thuật là cải thiện mọi lĩnh vực trong cuộc sống của con người. Việc "Học quản lý sản phẩm" cũng không phải là chỉ học cách xây dựng sản phẩm thuần túy.

Cả võ thuật và quản lý sản phẩm đều cần phải được thành thạo qua nhiều năm. Điểm chung của hai lĩnh vực này là việc mài giũa kỹ năng của mình cho đến khi thành thạo. Điều này có nghĩa là Product Manager cần phải luôn học các kỹ năng mới để liên tục cải thiện bản thân.

Việc thành thạo quản lý sản phẩm đòi hỏi nhiều kỹ năng và nguyên tắc giống như thành thạo võ thuật. Cả hai đều yêu cầu kỷ luật, sự tập trung và cam kết học tập và cải tiến bản thân liên tục.

Trong quá trình này có một số điểm đặc biệt cần lưu tâm.

Đối tác làm việc của bạn là người quyết định thành bại: trong võ thuật, mặc dù đa số các trận thi đấu sẽ diễn ra giữa hai võ sĩ, nhưng việc chuẩn bị cho giải đấu của bạn phụ thuộc vào việc có đối tác huấn luyện hỗ trợ sẽ giúp bạn phát triển chiến lược của mình. Việc thiếu sự hợp tác tốt chỉ có thể tạo ra nhiều sự xao lãng trong quá trình xây dựng sản phẩm.

Hãy học từ Người giúp đỡ bạn: trường hợp này thì câu nói “đứng trên vai người khổng lồ” không thể chính xác hơn. Trong võ thuật, người Thầy (Sensei hay Mentor) là người có thể giúp bạn nâng cao kiến thức lẫn kinh nghiệm về thực hành. Đối với tôi, qua mỗi một công việc tôi luôn có ít nhất một người Thầy như vậy. Đó có thể là đồng nghiệp làm cùng, đó có thể là người sếp của tôi, hay đó thậm chí là một người không cùng quan điểm với tôi.

Nhớ kiểm tra cái "tôi" của bản thân: Theo lời anh bạn, người học võ càng tinh thuần thì cái tôi họ càng lớn. Khoảng cách của những người học võ với nhau ngoài kỹ năng thì việc kiểm soát cái tôi là điều rất quan trọng để phân biệt ai là người kiểm soát tốt cảm xúc bản thân. Điều này trong Product Management theo tôi cũng khá sát thực tế. Không phải vì bạn dày dặn (số năm kinh nghiệm thực chiến) hơn nên bạn không cần phải khiêm tốn. Bởi vì vấn đề hôm nay sang ngày mai thì giải pháp của bạn sẽ có thể không hiệu quả nữa. Bạn càng thành thục, bạn càng cần giúp đỡ những người đứng sau mình. Ngay cả khi bạn trở nên xuất sắc trong những việc mình làm, hãy làm gương cho mọi người.

Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó: Đôi khi sai lầm vẫn xảy ra và miễn là bạn luôn ý thức được bạn có thể học được gì từ nó, bạn sẽ không cảm thấy tồi tệ nếu mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch của bạn. Trong quản lý sản phẩm, việc này sẽ xảy ra gần như không đoán trước được.

Tập trung và Nhất quán: Trong quản lý sản phẩm, bạn sẽ thấy có khái niệm "Thử nghiệm sản phẩm" hoặc "làm A/B Test", điều này cũng tương đồng với việc tập luyện hàng ngày, thử nghiệm và xem kết quả khi học võ thuật. Điều bất biến duy nhất là bạn tiếp tục học hỏi những điều mới để trở nên hiệu quả hơn.

Tập sử dụng phép loại suy: Đôi khi, cách tốt nhất để khiến mọi người hiểu vấn đề của bạn là giải thích những khái niệm phức tạp bằng những điều đơn giản, ví dụ thực tế từ cuộc sống xung quanh mình.

Tôi là một người rất thích dùng phép ẩn dụ hoặc các câu hỏi tu từ để giải quyết vấn đề. Phép loại suy (analogy) là một biện pháp tu từ dùng để giải thích, làm rõ bằng cách so sánh một ý tưởng trừu tượng, ít được biết đến với một khái niệm phổ biến hoặc cụ thể hơn. Cho nhiều bạn chưa biết, loại suy là một hình thức tư duy được con người sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong nghiên cứu khoa học.

Loại suy là bước đi đầu tiên không thể thiếu trong quá trình tư duy, tuy nó chỉ cho những kết luận sơ bộ mang tính xác suất, nhưng lại có tác dụng hình thành trực giác trong tư duy. Về lâu dài, thứ trực giác đó sẽ giúp bạn rất nhiều khi đối diện với những vấn đề phức tạp mà bạn chưa bao giờ gặp (nhưng bạn sẽ tự học được kiến thức và tự giải quyết được vấn đề đó mau chóng)

Cuối cùng, tôi nghĩ rằng không chỉ trong võ thuật mà trong các môn thể thao khác, việc làm chủ các kỹ năng của Product Management vẫn có những điểm tương tự như khi rèn luyện thể thao.