Làm thế nào chuyển đổi từ vị trí Engineer sang Product Manager?
Việc đảm bảo bạn có các kỹ năng phù hợp để thực hiện bước chuyển đổi là rất quan trọng và có nhiều nguồn lực khác nhau giúp bạn đạt được điều đó. Quá trình chuyển đổi có thể mất từ vài tháng đến vài năm, tùy thuộc vào tình huống của từng cá nhân.
Trong nhóm phát triển sản phẩm sẽ có các vị trí phổ biến bao gồm: Product Manager, Product Design, Engineer, QC.
Engineer là thuật ngữ chỉ các bạn kỹ sư, lập trình viên trong nhóm. Các bạn này có thể có các kỹ năng khác nhau để phụ trách những công việc khác nhau như: Front-end, Backend hoặc có thể kiêm nhiệm luôn mọi thứ (full-stack) từ môi trường web đến môi trường app.
Tôi không biết có bao nhiêu bạn đã chuyển đổi thành công từ sự nghiệp engineer sang product management. Hai con đường này có rất nhiều điểm chung. Cả hai đều tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng và xây dựng những sản phẩm tuyệt vời.
Hai vai trò phải làm việc cùng nhau để đảm bảo giải pháp phù hợp, khả thi nhất được xây dựng cho khách hàng. Nhưng tất nhiên là có sự khác biệt. Các Product Manager tập trung nhiều hơn vào câu hỏi “tại sao” và “làm tính năng gì” trong khi các engineer tập trung vào “làm thế nào tôi xây dựng được tính năng đó”.
Nếu bạn có hứng thú với nghề Product Manager, tôi có sẵn các câu hỏi bên dưới để giúp bạn định hình được đường đi.
- Điểm giống và khác nhau giữa công việc kỹ thuật và quản lý sản phẩm là gì?
- Làm thế nào để bạn xác định điều gì phù hợp hơn cho các mục tiêu nghề nghiệp của bạn?
- Tại sao bạn quyết định chuyển từ kỹ thuật sang quản lý sản phẩm? Bạn có thể mô tả cách đi của bạn và làm thế nào nó dẫn đến quyết định này?
- Những bước đầu tiên của bạn trong quá trình chuyển đổi này là gì?
- Quá trình chuyển đổi mất bao lâu, kể từ thời điểm bạn quyết định chuyển sang thời điểm bạn nhận công việc quản lý sản phẩm?
- Phần dễ nhất và khó nhất khi thực hiện chuyển đổi là gì?
- Những kỹ năng nào từ kỹ thuật mà bạn thấy hữu ích trong công việc quản lý sản phẩm của mình?
- Bạn đã đạt được những kỹ năng quan trọng mới nào sau khi chuyển đổi?
- Điều gì giúp bạn thực hiện việc chuyển đổi suôn sẻ hơn trong quá trình này? Bất kỳ blog, khóa học, sách, công cụ hữu ích nào và/hoặc thứ gì khác?
- Đâu là những điều bạn phải “từ bỏ hoặc quên đi hoặc thay đổi 100%” từ công việc trước đây để trở thành người quản lý sản phẩm tốt hơn?
Điểm giống và khác nhau giữa công việc kỹ thuật và quản lý sản phẩm là gì?
Điểm chung giữa quản lý sản phẩm và kỹ thuật là cả hai đều đang cố gắng cùng nhau giải quyết vấn đề của khách hàng. Đó là một quan hệ đối tác bình đẳng.
Sự đồng cảm của khách hàng không chỉ là chuyên môn của Product Manager. Là engineer, bạn cần giải quyết vấn đề với nhiều sự đồng cảm với khách hàng để giải pháp của bạn thực sự có giá trị sử dụng.
Nhìn bề ngoài, các vai trò khá khác nhau, giống như là hai mặt của một đồng xu. Product Manager xác định các vấn đề của người dùng, đề xuất giải pháp và ưu tiên chúng theo lộ trình cụ thể. Xây dựng sản phẩm là một chuỗi nhiều hành động. Quản lý sản phẩm sẽ bắt đầu trước trong quá trình xác định các vấn đề phù hợp, sau đó team kỹ thuật sẽ đảm nhận việc thực hiện.
Làm thế nào để bạn xác định điều gì phù hợp hơn cho các mục tiêu nghề nghiệp của bạn?
Thực ra đây là một câu hỏi khó và phức tạp. Chính bản thân tôi cũng từng vật lộn với câu hỏi này.
Tìm ra điều gì phù hợp hơn với mục tiêu nghề nghiệp của bạn nằm ở việc xác định sở thích và kỹ năng của bạn là gì. Bạn phải biết mục tiêu nghề nghiệp của mình và điều gì khiến bạn vui vẻ, hạnh phúc, tận hưởng được công việc.
Quản lý sản phẩm đòi hỏi tư duy chiến lược, kiến thức về khách hàng và làm việc với nhiều vai trò khác nhau. Bạn sẽ có nhiều tương tác hơn với khách hàng và các bên liên quan, vì vậy bạn cần ý thức được sự cộng tác và giao tiếp đa chiều. Trong đó kỹ năng lắng nghe tích là một kỹ năng rất quan trọng.
Không có thời điểm đúng hay sai để chuyển sang quản lý sản phẩm. Vì vậy, hãy dành thời gian của bạn để tìm ra mọi thứ và cởi mở với bản thân để thử những điều mới. Khi bạn đã nuôi ý định chuyển nghành, mọi thứ khác đều có thể học được.
Nếu bạn thích suy nghĩ sâu sắc và giải quyết các vấn đề phức tạp một cách độc lập, làm engineer là một lựa chọn phù hợp. Nếu bạn thích giải quyết vấn đề, nhưng muốn làm việc nhiều hơn với khách hàng và các tiêu chuẩn khác trong công ty như marketing, đánh giá hiệu quả của sản phẩm, tìm cách cải tiến sản phẩm, hãy chuyển sang quản lý sản phẩm.
Điều này đã xảy ra với tôi. Mỗi lần tôi làm gì đó về kỹ thuật thì tôi luôn bị một ý nghĩ nào đó thôi thúc: Tôi phải biết được người ta dùng cái tôi làm ra như thế nào, điều gì khiến họ không sử dụng tính năng này. Làm sao tôi có thể cải tiến nó mà không có bất cứ dữ liệu nào.
Những cảm giác chồng chéo về kỹ năng đang có và nguyện vọng sâu thẳm bên trong bạn sẽ là yếu tố quyết định việc này: những gì bạn giỏi và những gì bạn thực sự muốn đạt được khi chuyển ngành.
Tại sao bạn quyết định chuyển từ kỹ thuật sang quản lý sản phẩm?
Bạn có thể mô tả cách đi của bạn và làm thế nào nó dẫn đến quyết định này?
Đôi khi khi bạn có nhiều kinh nghiệm hơn trong sự nghiệp, bạn nhận ra rằng đó không phải là điều bạn muốn làm nữa. Có thể công việc hiện tại vốn dĩ đã phù hợp ngay từ đầu, nhưng bạn cần một thử thách mới.
Một ngày nào đó, một số người nhận ra rằng công việc của engineer không dành cho họ trong khi những người khác bị thu hút bởi công việc quản lý sản phẩm vì họ làm việc với các Product Manager khác và thích những gì họ nhìn thấy hàng ngày. Đối với những người này, quản lý sản phẩm có thể là lựa chọn phù hợp hơn vì họ muốn có tác động lớn hơn đến doanh nghiệp và muốn là người đưa ra quyết định.
Tôi khởi nghiệp cách đây 8 năm với tư cách là một trong 4 engineer của nhóm, mặc dù lúc đó tôi cũng đang làm Product Manager. Trong vòng một năm, nhóm tôi cũng bắt đầu có được những đơn hàng đầu tiên. Nhưng tôi muốn xác thực xem điều này có mang lại cho tôi hạnh phúc lâu dài hay không.
Mất hơn 1 năm sau đó để tôi nhận ra rằng đây không phải là điều tôi muốn làm trong suốt phần đời còn lại của mình. Lúc đó, tôi làm việc từ 12-15 tiếng mỗi ngày. Nhưng trong nhận thức muộn màng về sau, điều này đã dẫn tôi đến một con đường kiên định hơn. Nếu tôi phải đưa ra quyết định một lần nữa, tôi cũng sẽ chọn ngành Product Management.
Những bước đầu tiên của bạn trong quá trình chuyển đổi này là gì?
Bạn đọc bài này: Bạn có thể trở thành Product Manager khi chưa có kinh nghiệm không?
Quá trình chuyển đổi mất bao lâu?
Không có con số chính xác. Trường hợp của tôi là từ 1-2 năm. Khi cơ hội đến, tôi đã thể hiện bản thân cho vai trò đó mà không hề do dự.
Một số người chọn con đường dài hơi hơn, tích lũy kinh nghiệm trong vài năm trước khi chuyển sang vai trò quản lý sản phẩm. Những người khác có hành trình mà chỉ mất một vài tháng. Điều quan trọng là chờ đợi cơ hội thích hợp để bạn có thể thành công.
Phần dễ nhất và khó nhất khi thực hiện chuyển đổi là gì?
Thông thường, các Product Manager từng là engineer có kinh nghiệm hoặc có nền tảng là engineer từ lúc học đại học có thời gian làm việc với các vấn đề kỹ thuật khá dễ dàng. Họ biết những đặc tính về mặt kỹ thuật và cách giao tiếp với các engineer khác cũng thuận tiện hơn.
Mặt khác, việc từ bỏ vị trí engineer có thể là một thách thức thực sự. Bạn phải tin tưởng nhóm engineer của mình để tạo ra giải pháp mà không còn quá nhiều can thiệp vào việc định nghĩa giải pháp như trước đây bạn từng tham gia. Bạn phải sử dụng ngôn ngữ của khách hàng thay vì ngôn ngữ của kỹ thuật. Làm quen với tất cả những điều này có thể mất thời gian.
Phần dễ nhất trong trường hợp của tôi là làm việc với các bạn engineer. Phần khó nhất là đối phó với sự mơ hồ – khi tôi chưa xác định được phạm vi vấn đề và toàn bộ tầm nhìn về sản phẩm.
Những kỹ năng nào từ kỹ thuật mà bạn thấy hữu ích trong công việc quản lý sản phẩm của mình?
Có hai kỹ năng chính hữu ích nhất trong vai trò quản lý sản phẩm: kiến thức về kỹ thuật và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Nhưng ngoài kiến thức kỹ thuật, công việc engineer còn dạy bạn cách giải quyết các vấn đề phức tạp một cách có trật tự, kỷ luật. Bạn suy nghĩ về các chi tiết, biết cách đánh giá một vấn đề và xem xét toàn bộ vấn đề một cách tổng thể.
Minh hoạ cho kỹ năng trên là chiếc hộp búp bê Nga Matryoshka – Matryoshka là những con búp bê xếp lồng vào nhau. Bên trong búp bê to có chứa búp bê bản sao thu nhỏ. Đây chính là cách tư duy mà bạn có được khi làm công việc engineer – suy nghĩ tổng thể đến chi tiết và đưa ra quyết định. Đây là kỹ năng vô giá của Product Manager.
Bạn đã đạt được những kỹ năng quan trọng mới nào sau khi chuyển đổi?
Nhiều Product Manager nhanh chóng biết rằng các kỹ năng mềm rất quan trọng để thành công trong vai trò của họ. Sự đồng cảm, cách tạo ra ảnh hưởng mà không cần đến quyền lực, xây dựng sự đồng thuận giữa các bên liên quan và cách kể chuyện về một sản phẩm đều là chìa khóa cốt lõi. Tóm lại, kỹ năng giao tiếp là rất quan trọng.
Bạn cần có khả năng thúc đẩy nhóm sản phẩm, các bên liên quan và khách hàng làm việc hướng tới tầm nhìn của bạn. Bạn cũng cần có khả năng nói không, ngay cả với khách hàng. Nhưng quan trọng nhất là bạn cần học cách yêu cầu sự giúp đỡ khi bạn thực sự cần giúp đỡ.
Ngoài ra còn có các kỹ năng quản lý sản phẩm điển hình như cách xác lập ưu tiên, khả năng phân tích số liệu, xác định quy mô thành công của sản phẩm. Tất cả những kỹ năng này đều quan trọng để phát triển thông qua quá trình chuyển đổi của bạn sang quản lý sản phẩm.
Điều gì giúp bạn thực hiện việc chuyển đổi suôn sẻ hơn trong quá trình này?
Bất kỳ blog, khóa học, sách, công cụ hữu ích nào và/hoặc thứ gì khác?
Có nhiều tài nguyên để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang quản lý sản phẩm. Một trong những điều quan trọng nhất là những người xung quanh bạn. Hãy tham khảo người quản lý, đồng đội và người quản lý sản phẩm có kinh nghiệm trong công ty của bạn để biết rõ hơn các ví dụ thực tiễn và hướng dẫn nếu có.
Thứ hai là bạn phải học về quản lý sản phẩm.
Bạn cần xác định mức chi phí và khoản đầu tư bạn có thể bỏ ra để chọn các khoá học chất lượng từ những người đã có ít nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Những người đã quen thuộc với công việc này có thể cải thiện những điểm yếu bạn có thể gặp phải thông qua các bài học do chính họ thiết kế.
Đâu là những điều bạn phải “từ bỏ hoặc quên đi hoặc thay đổi 100%”
Quản lý sản phẩm chủ yếu là liên tục học hỏi trong suốt sự nghiệp (thật sự là vậy!) , nhưng có những thói quen khi còn làm engineer mà bạn có thể cần phải phá bỏ. Một vấn đề lớn là bạn không còn có trách nhiệm đưa ra giải pháp hoặc đảm bảo tính khả thi về mặt kỹ thuật.
Bạn sẽ cần ngừng sử dụng các phương pháp hoặc lối nói về kỹ thuật khi nghĩ về sản phẩm và bắt đầu nhìn sang lăng kính khách hàng nhiều hơn. Bạn cần phải giúp khách hàng tìm thấy con đường của họ.
Quản lý sản phẩm là một công việc mơ hồ hơn làm kỹ thuật.
Tôi đã phải kìm nén suy nghĩ về tính khả thi kỹ thuật ở giai đoạn đầu phân tích phạm vi vấn đề của sản phẩm. Để tạo ra sự đổi mới rõ nét, tôi phải suy nghĩ một cách có chủ ý hơn về khách hàng. Một trong những điều mà tôi phải chấp nhận quên đi là giả định cách khách hàng sẽ sử dụng sản phẩm của mình.
Comments ()