Một cách chọn các giá trị phù hợp khi theo nghề Product Management
Nếu bạn đối xử bản thân mình như là một sản phẩm, công việc Product Management của bạn sẽ trở nên thú vị và rõ ràng hơn vì hai khía cạnh này có những chân giá trị tương đồng với nhau.
Các công ty công nghệ hiện nay ở Việt Nam, như Zalo, Momo, Tiki, One Mount hay như Grab, Shopee, Lazada đều có những sản phẩm đặc thù với đối tượng người dùng cụ thể, những sản phẩm này không được xây dựng một cách ngẫu hứng và cũng không được đưa đến tay người dùng một cách tình cờ. Các công ty này đều có các khuôn khổ (framework) rõ ràng về cách họ quản lý và xây dựng sản phẩm. Việc xây dựng khuôn khổ mang lại một lợi ích to lớn: họ có thể có các giá trị phù hợp trong việc xây dựng sản phẩm và quan trọng là cách xây dựng sản phẩm có tính nhất quán.
Nếu bạn muốn công ty hoặc startup của mình xây dựng các sản phẩm giống như những sản phẩm bạn thấy từ Spotify, Amazon, Shopify hay các công ty công nghệ trên ở Việt Nam, thì bạn cần xây dựng nên khuôn khổ cho riêng mình.
Chọn chân giá trị phù hợp để theo đuổi
Nếu xét theo bản thân tôi, những giá trị sống phù hợp (cuộc sống bên ngoài và trong môi trường công việc) nên đáp ứng 3 điều kiện sau:
- Mang tính thực tế (khác với thực dụng)
- Mang lại sự có ích cho đối tượng xung quanh mình (hay nói văn vẻ là “Giúp ích cho cộng đồng, xã hội”)
- Có thể làm ngay lập tức hay có thể kiểm soát.
Tất nhiên khuôn khổ trên không phải là chuẩn mực của tất cả mọi người, cũng như là một chuẩn mực cụ thể trong cách quản lý và phát triển sản phẩm. Tuy nhiên khi lựa chọn 3 giá trị trên từ chính cuộc đời, tôi cũng đã thử áp dụng vào quá trình làm việc cách đây 7 năm và nhận ra nó cũng khá thuận lợi cũng và có những lợi ích nhất định. Dưới đây là những điểm chính tôi đã tự trải nghiệm và đúc kết được.
Phân loại công việc thành 3 nhóm
Phân loại công việc thành 3 nhóm sau:
- Tự tin 100% giải quyết được, nhanh.
- Giải quyết được ở mức độ vừa đủ, nhưng cần tối ưu sau đó.
- Công việc mà bạn không nên đầu tư vào.
Đôi khi bạn cần phải đa nhiệm một chút nếu tình thế (độ ưu tiên) trở nên cấp bách hơn. Thực tế chứng minh nếu bạn có thể giải quyết được mục số #1 thường xuyên, số lượng vấn đề bạn giải quyết chiếm đến 70-80% của một tháng, quý theo lịch làm việc của công ty thì có nghĩa bạn đã chứng minh được vai trò của bạn với công ty.
Đơn giản hoá Vision, Strategy, User, Roadmap, Specs
Khi phát triển một sản phẩm mới hoặc lên roadmap cho nhiều sản phẩm, chúng ta thường làm bài tập xoay quanh các thuật ngữ: Vision, Strategy, User hay Segementation, Roadmap, Specs.
Tôi có một cách thực hành đơn giản trong nhiều năm, xin phép chia sẻ thêm với các bạn như sau:
- Tại sao chúng ta phải build sản phẩm/tính năng này? Nếu tôi và các bạn trong nhóm (business, design, engineer, qc) cùng trả lời được, đó chính là Vision của chúng ta.
- Chúng ta sẽ làm gì để build sản phẩm này? Tình hình thực tế hiện nay thì có thể áp dụng/tái sử dụng hoặc phải làm mới điều gì? Đây chính là Strategy của chúng ta.
- Ai là người sẽ sử dụng sản phẩm này? Đây chính là User
- Khi nào thì chúng ta lên production? Có bao nhiêu việc cần xử lý? Đây chính là Roadmap
- Các tính năng của sản phẩm cần được thực hiện theo cách nào? Đây chính là Specs.
Now, Next, Later khi làm roadmap
Đây là một cách phân loại khi làm roadmap. Một roadmap kinh điển thường chia theo các Quý (1 năm tài chính có 4 Quý) từ Q1 đến Q4. Thường Q1 sẽ là quý đầu tiên mà chúng ta sẽ áp dụng khái niệm NOW vào đây. Các quý tiếp theo sẽ lần lượt là Next, Later.
Bản chất của một roadmap là nó cần có thời điểm cụ thể (dù ngày/giờ có thể không chính xác 100%), và đây cũng chính là nhược điểm lớn của việc làm roadmap: khi bạn có nhiều hơn 7-10 việc cần phải làm trong 1 roadmap của cả năm, việc đặt ra các thời điểm cụ thể sau 3 tháng đầu (quý đầu tiên) sẽ tạo ra một cảm giác “dễ dãi” trong việc “Oh, rồi tất cả các sản phẩm sẽ được lên production vào ngày đó. Thật tuyệt vời!”
- Now: xác định ngay cần làm gì, và làm như thế nào, chi tiết đến mức có thể về mặt giải pháp, rủi ro, sự ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau.
- Next: phạm vi vấn đề rộng hơn, nhưng ít nhất chúng ta cũng có một vài thông tin khởi đầu, và khả năng phải làm gần như từ 80% trở lên.
- Later: những điều còn lại.
Jobs to be done (JTD): Việc cần hoàn thành
Jobs ở đây không phải là những việc cần làm trong Specs (tôi hay gọi những việc này là tasks). Nó còn là những trở ngại, rắc rối, thách thức về mặt kỹ thuật, rủi ro về con người, chính sách cũng như các quy trình cụ thể. JTD cần được hiểu một cách sâu sắc và liên tục thực hành trong thời gian dài để thấu hiểu được ngữ cảnh và các vấn đề thực sự mà sản phẩm của bạn có thể giải quyết. Để hiểu được JTD, một trong những kỹ năng quan trọng của Product Manager là khả năng thấu cảm thật tốt với tình huống và với khách hàng của mình.
Khi sản phẩm của bạn giải quyết triệt để được những phiền phức nào đó thì Jobs được xem là done. Có ba loại JTD điển hình:
- Việc cần làm về mặt chức năng
- Việc cần làm về mặt cảm xúc
- Việc cần làm về mặt xã hội
Tôi sẽ lấy ví dụ từ chính bản thân tôi để giải thích cách JTD hoạt động. Tôi mua một chiếc xe đạp để rèn luyện sức khoẻ cho bản thân, trong vai trò là khách hàng thì JTD của tôi có 3 việc cần làm như sau:
- Việc cần làm về mặt chức năng: rèn luyện thân thể, cải thiện thể chất.
- Việc cần làm về mặt cảm xúc: cải thiện tinh thần, sự bình thản khi đối diện khó khăn, biến cố trong đời sống, tăng sức mạnh tinh thần khi thực hiện đa nhiệm trong công việc trong một thời gian ngắn, tăng cường sự gắn kết với thành viên trong gia đình.
- Việc cần làm về mặt xã hội: thể hiện được phong cách sống, yêu thích thể thao và rèn luyện thân thể, tâm trí.
Như vậy có phải khách hàng muốn mua cái khoan là bạn phải bán ngay cái khoan? Thực sự không phải như vậy.
Bạn không bán cái khoan. Khách hàng họ không cần cái lỗ trên tường (về mặt chức năng), mà còn là nhu cầu treo những bức ảnh gia đình (về mặt cảm xúc) và thể hiện phong cách sống thông qua nhà cửa, trang trí (về mặt xã hội)
Comments ()