Outcome và Output thực sự là gì?

Trong lúc làm việc tại Tiki, "Outcomes over Outputs" đã được áp dụng rộng rãi trong các buổi tranh luận sâu sắc. Thúc đẩy các team làm ra nhiều sản phẩm không phải là cách hay để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời — bạn cần tập trung vào kết quả cho khách hàng và ngược lại là cho doanh nghiệp.

Outcome và Output thực sự là gì?
Ví dụ: Inputs (PRD, wireframe) → Process (sprint planning, design) → Outputs (features) → Outcomes (customer value) → Impact (Revenue)

Khoảng 2019- 2020, tôi còn nhớ rõ lúc đấy công ty có sự thay đổi rõ rệt trong cách làm sản phẩm nếu nhìn từ góc độ sản phẩm lẫn kỹ thuật. Ngoài việc xác định các mục tiêu (objectives), các chỉ số theo dõi (indicators) thì toàn bộ đội product, tech của Tiki cũng được huấn luyện để chuyển đổi tư duy ở 4 khía cạnh:

  • Xác định các chỉ tiêu đầu vào (input) khi làm sản phẩm
  • Xác định các chỉ tiêu đầu ra (output) của sản phẩm
  • Xác định các chỉ tiêu về kết quả (outcome) của sản phẩm
  • Đánh giá các tác động (impact) của sản phẩm

Đối với tôi thì những thuật ngữ và tư duy làm sản phẩm này tôi cũng đã được trải nghiệm và thực hành trong thời gian làm việc tại Zalo. Tuy nhiên xét ở góc độ một môi trường mới, công ty làm về Thương mại điện tử như Tiki thì điều này quả thực rất thú vị. Trước hết hãy cùng tìm hiểu từ ngoài (tổng quan) vào trong (chi tiết)

Nguyên tắc xác định hiệu quả: Input, Output, Outcome

Nguyên tắc xác định hiệu quả thì phải có: chỉ tiêu đầu vào (input), chỉ tiêu đầu ra (output) và chỉ tiêu kết quả (outcome)

Cách hiểu sơ bộ nhất, Output là kết quả trực tiếp của Input qua một quá trình xây dựng tính năng, sản phẩm. Kiểu như Input là con bò, đưa qua dây chuyền sản xuất là Process, ta thu về Output là xúc xích chẳng hạn. Nhìn rộng ra hơn một chút, Input và Output rất dễ hiểu và dễ tìm thấy ví dụ từ chính cuộc sống. Input và Output là hai thứ có thể kiểm soát được, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động trong việc xác định kiểu Input và Output mà chúng ta muốn thấy.

Chỉ tiêu về đầu vào – Input 🐟

Như vậy Input thực chất là những hoạt động, những dữ liệu cần có để tạo ra một cái gì đó mà bạn có thể kiểm soát và điều chỉnh được. Một số trường hợp mà bạn sẽ dùng input làm đòn bẩy và bạn tin rằng nếu các giá trị đầu vào phù hợp được vận dụng, các giá trị đầu ra (Output) mong muốn sẽ được xảy ra.

Ví dụ:

  • Bạn có 1 sản phẩm. Bạn lập tức chạy quảng cáo trong 1 tháng trên 3 nền tảng: Youtube, Google và Facebook để khách hàng biết tới sản phẩm của bạn. Trong ví dụ này, Input của bạn chính là việc chạy quảng cáo, và bạn hoàn toàn tin rằng cứ chạy quảng cáo thì sẽ có người biết đến và sử dụng sản phẩm của bạn.
  • Đơn giản hơn, để tăng trưởng trong 3 tháng tiếp theo, hãy đem sản phẩm đến các trường học để giới thiệu với sinh viên ở đó. Đây cũng là 1 ví dụ điển hình của việc dùng các chỉ tiêu đầu vào (input) để làm cơ sở cho niềm tin rằng sẽ có output xứng đáng.

Chỉ tiêu về đầu ra – Output 🍣

Tới đây thì Output khá dễ hiểu, các chỉ tiêu đầu ra – Output chính là thành quả của việc xử lý các dữ liệu đầu vào. Nếu không có input thì không thể có output.

Ví dụ:

  • Bạn mở 1 khoá học, input của bạn là số lượng bài học, output của bạn sẽ là số học viên. Như vậy nếu sử dụng output làm đòn bẩy, bạn hoàn toàn có thể định nghĩa như sau: Để hồi vốn trong 6 tháng đầu tiên, hãy có 10 học viên là khách hàng mới.
  • Một ví dụ khác: Để có thể bán được 1000 hợp đồng bảo hiểm, bạn cần có 500 khách hàng mới.

Từ input đến output bạn sẽ cần quá trình thực hiện nó, gọi là Process.

Chỉ tiêu về kết quả – Outcome 😋

Outcome nếu nói là Kết quả cũng chưa hẳn đã chính xác. Outcome nói cách khác chính là những mong đợi của bạn đối với những việc mà bạn đã dành thời gian để phát triển, xây dựng sản phẩm và mang nó đến tay người dùng. Outcome cũng có thể được hiểu là phản hồi, mong đợi ngược lại từ phía người dùng rằng liệu sản phẩm của bạn có thực sự giải quyết vấn đề cốt lõi của người dùng hay không.

Ví dụ:

  • Ở trên bạn có 1 khoá học, output của bạn là 10 học viên mới trong 6 tháng. Như vậy outcome ở đây, mong đợi của bạn (hay chính của 10 học viên đó) có thể là: có 5 bạn có thể xin được công việc phù hợp sau khi học khoá học của bạn.