Product Management có phải là sự lựa chọn phù hợp của bạn?

Rất nhiều bạn muốn trở thành Product Manager vì những lý do sai lầm và có những kỳ vọng sai lầm từ vai trò này. Tôi nghĩ điều cần thiết là phải hiểu "Tại sao phải làm Product Manager" trước khi "Làm thế nào để trở thành Product Manager".

Product Management có phải là sự lựa chọn phù hợp của bạn?
Tôi nghĩ điều cần thiết là phải hiểu "Tại sao phải làm Product Manager" trước khi "Làm thế nào để trở thành Product Manager".

Rất nhiều bạn muốn trở thành Product Manager vì những lý do sai lầm và có những kỳ vọng sai lầm từ vai trò này. Tôi nghĩ điều cần thiết là phải hiểu "Tại sao phải làm Product Manager" trước khi "Làm thế nào để trở thành Product Manager".
Bạn sẽ yêu thích công việc Product Management nếu bạn là một người có tầm nhìn xa.

Nếu bạn biết cách chia tầm nhìn đó của bạn thành những phần hữu hình – có thể đoán được cách thực hiện và vạch ra một kế hoạch để thực hiện tầm nhìn đó, bạn sẽ là một Product Manager giỏi.

Nếu bạn có thể đồng cảm và có thể đặt mình vào vị trí của khách hàng mọi lúc trước khi bạn nghĩ, bạn cũng sẽ là một Product Manager tuyệt vời.

Bạn không thể theo nghề Product Management nếu những lý do sau đây là lý do chính để bạn trở thành một Product Manager.

  1. Tôi sẽ quản lý mọi người: SAI. Điều thực sự hiệu quả đối với các Product Manager là xây dựng các mối quan hệ với các bên liên quan. Quản lý sản phẩm thiên về quản lý các mối quan hệ với các bên liên quan hơn là quản lý con người.
  2. Lương thưởng tốt hơn. SAI và ĐÚNG. Lương nên là nên là động lực cuối cùng để chọn một vai trò trong sự nghiệp của bạn. Xu hướng thị trường xung quanh công việc được trả lương cao sẽ tiếp tục thay đổi theo thời điểm và theo tình trạng kinh tế của các công ty. Thậm chí sau này trong sự nghiệp, có các vị trí sẽ được trả lương cao hơn Product Manager. Xin lỗi vì đã làm bạn thất vọng. Nhưng bạn đừng hiểu lầm, lương Product Manager vẫn là mức lương tốt trên thị trường, và điều này không bền vững theo kiểu sẽ tăng tuyến tính. Tôi không muốn làm bạn sợ mà chỉ muốn đặt ra những kỳ vọng đúng đắn theo từng thời điểm trong sự nghiệp của bạn.
  3. Tôi sẽ đóng vai trò có ảnh hưởng và sẽ quyết định tương lai cũng như chiến lược của sản phẩm. Việc đưa ra quyết định thực ra không hề dễ dàng và cũng không hào nhoáng như người ta vẫn tưởng. Quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng đến cách hàng triệu khách hàng tương tác với sản phẩm của bạn. Một số quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu.
  4. Product Manager là CEO của Sản phẩm. Đã có rất nhiều cuộc tranh luận về vấn đề này và nó thực sự phụ thuộc vào quan điểm cá nhân hoặc của công ty. Không có đúng hay sai. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điểm quan trọng. Đôi khi sản phẩm của bạn sẽ phải hy sinh hoặc buộc phải xây dựng tiết chế hơn để cho những sản phẩm quan trọng khác trong công ty phát triển.

Vậy thì tại sao bạn nên trở thành Product Manager?

Bạn trở thành Product Manager nếu bạn được truyền cảm hứng để giải quyết các vấn đề của khách hàng và tạo ra những sản phẩm để giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn.

Phần chính của bài viết này sẽ tập trung vào 3 phần đánh giá để bạn có thể tự trả lời câu hỏi “Tại sao tôi nên làm Product Manager?”

Đánh giá bộ kỹ năng của bạn

Tôi sẽ giữ nguyên các từ tiếng Anh và sau đó giải nghĩa những từ này cho các bạn dễ hình dung.

Bạn có thể có đam mê thật sự với nghề này hoặc ít nhất bạn có động lực rõ rệt để bước vào nghề này, cho dù là người mới hoặc chuyển đổi công việc. Điều quan trọng là bạn cần xác định được những điểm mạnh tiềm ẩn của bản thân theo danh sách kỹ năng dưới đây.

✅ Visionary: Có khả năng nhìn xa, trông rộng

  • Đôi khi bạn sẽ phải suy ngẫm về xã hội, cuộc sống của bạn, những trào lưu hiện tại trong vài năm tới sẽ thế nào.
  • Trở thành một người có tầm nhìn xa nghĩa là bạn biết cách xây dựng các tính năng theo chiến lược và hoàn cảnh phù hợp, khác với việc ghi chép lại yêu cầu của các bên liên quan và tìm cách xây dựng mọi thứ dựa trên yêu cầu đó. Thực ra, cả hai đều quan trọng và các Product Manager giỏi phải làm được cả hai, nhưng trở thành một người có tầm nhìn xa trông rộng còn quan trọng hơn rất nhiều.

✅ Curiosity: Luôn tò mò, thắc mắc về mọi khía cạnh của sản phẩm

  • Luôn xây dựng mong muốn hiểu được “tại sao” đằng sau các yêu cầu làm sản phẩm.
  • Bạn sẽ cần kiên trì đặt câu hỏi và nghiên cứu sâu hơn để khám phá nhu cầu thực sự của người dùng.
  • Bạn phải có khả năng nhìn những cơ hội mà người khác không thấy.
  • Một Product Manager có khả năng tò mò tột độ là người có năng lực săn lùng và thu thập thông tin – tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc từ các nguồn khác nhau để từ đó tìm ra được những ràng buộc phải được tính đến khi giải quyết vấn đề trên sản phẩm.

✅ Empathy: Biết đồng cảm với các bên liên quan, với người dùng

  • Sự đồng cảm có thể không có sẵn trong bạn. Bạn phải tìm cách nuôi dưỡng, trồng nó để sự đồng cảm này lớn lên mỗi ngày.
  • Đồng cảm là khả năng hiểu được cảm xúc và nhu cầu của người khác, hiểu được quan điểm của người khác. Sự đồng cảm đòi hỏi một thái độ ấm áp, cởi mở, và tử tế.
  • Tuy nhiên đồng cảm không có nghĩa là bạn phải thích người khác, và bạn phải luôn vui vẻ, tươi cười mọi lúc.
  • Bản chất của đồng cảm là phát triển sự hiểu biết về những gì đang xảy ra thực sự với người khác.
  • Sự đồng cảm sẽ tạo ra sự tin tưởng, và giúp các bên liên quan khuyến khích việc lắng nghe tích cực hơn, từ đó dễ tạo ra sự thay đổi tốt cho sản phẩm. Điều này cần phải thể hiện chân thực.
  • Nếu bạn giả vờ quan tâm hoặc nếu bạn đồng cảm chỉ để khiến ai đó làm điều gì đó, thì sớm hay muộn mọi người sẽ nhận ra điều gì đang xảy ra và họ có thể sẽ mất lòng tin vào bạn, dẫn đến các quyết định về sản phẩm sẽ có thể chệch hướng với vấn đề thực sự của người dùng.
  • Với tôi đây là một trong những kỹ năng hàng đầu nếu bạn chọn nghề Product Manager này.

✅ Problem solver: giải quyết đúng vấn đề cần giải, và giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, phù hợp

  • Một vấn đề là một ẩn số xuất phát từ bất kỳ tình huống nào trong đó một người tìm cách đáp ứng nhu cầu hoặc đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, vấn đề chỉ là vấn đề khi các bên liên quan có “nhu cầu cảm thấy” thúc đẩy mọi người tìm kiếm giải pháp để loại bỏ sự khác biệt.
  • Vấn đề có cấu trúc tốt: các vấn đề thường gặp nhất, đặc biệt là ở các trường phổ thông và đại học, là các vấn đề có cấu trúc tốt. Trường học dạy chúng ta cách tìm ra câu trả lời đúng cho một số vấn đề.
  • Vấn đề có cấu trúc kém: thông thường có một số giải pháp cho loại vấn đề này, mỗi giải pháp đưa ra những ưu điểm và nhược điểm cho những tình huống khác nhau trong bối cảnh khác nhau. Product Manager chủ yếu làm việc với các vấn đề có cấu trúc kém.
  • Chúng ta bước vào một thế giới của những vấn đề có cấu trúc kém, không có câu trả lời đúng hay sai và thay vào đó có một số giải pháp với những ưu điểm và nhược điểm khác nhau.

✅ Project Management: kỹ năng quản lý dự án

  • Hầu hết các công ty mong đợi Product Manager cũng theo dõi việc thực hiện sản phẩm , vì vậy bạn phải giỏi ước tính và biết khi nào nên khởi động kế hoạch làm một tính năng cụ thể.
  • Giúp các bên liên quan dễ dàng theo dõi trạng thái sản phẩm và tình trạng phát triển của các tính năng.

✅ Explorer: Luôn có tư duy khám phá vấn đề sâu hơn vẻ bề ngoài của nó

  • Curiosity là một kỹ năng quan trọng để thúc đẩy tư duy khám phá này.
  • Khi có các bên nói về 1 số vấn đề mà họ nghĩ đó là “vấn đề” thật sự, khoan chấp nhận vấn đề như vẻ ngoài của nó hơn là nghiên cứu các vấn đề kỹ hơn.
  • Chấp nhận giá trị bề ngoài của một vấn đề có nghĩa là chấp nhận một điều gì đó như vẻ bề ngoài của nó theo nghĩa đen thuần tuý, mà không tìm kiếm ẩn ý hoặc động cơ bên trong đến từ người dùng lẫn bối cảnh xung quanh.
  • Bạn phải đào sâu hơn để tìm hiểu xem đó có thực sự là một hoặc nhiều vấn đề đan xen với nhau hay không, tìm ra nguyên nhân và hậu quả của việc không giải quyết các vấn đề này sẽ đem đến những tác động nào đến sản phẩm.

✅ Data analyst: Phân tích dữ liệu để hoàn thiện sản phẩm

  • Bạn sẽ có thể đọc dữ liệu và suy luận từ một số các mẫu dữ liệu.
  • Ý tưởng để xây dựng tính năng tiếp theo hoặc xác định nguyên nhân cốt lõi của hành vi người dùng nằm trong dữ liệu và bạn sẽ có thể xác định chúng dựa trên việc phân tích dữ liệu.

✅ Open-mindedness: Tư duy cởi mở

  • Tư duy cởi mở là rất quan trọng, vì bạn sẽ thường xuyên phải đối mặt với nhiều giải pháp cho một vấn đề (vấn đề có cấu trúc kém). Tiếp nhận phản hồi và thích ứng với những ý tưởng mới sẽ giúp bạn liên tục điều chỉnh chiến lược sản phẩm của mình và có kế hoạch phát triển sản phẩm tối ưu hơn.
  • Đây là một trong những cái bẫy lớn nhất mà chúng ta với tư cách là những người làm sản phẩm có thể vướng vào một cách vô thức: phát triển tầm nhìn hạn hẹp và không giữ một tâm hồn cởi mở.
  • Tích cực cởi mở có nghĩa là tích cực tìm kiếm thông tin mâu thuẫn với những giả thuyết đã có từ trước của bạn. Thông tin như vậy bao gồm các ý kiến bất đồng của người khác và bạn phải cân nhắc cẩn thận dựa trên những gì bạn nghe, những gì bạn lọc ra được so với những gì bạn có hiểu biết.

✅ Communication and collaboration: Biết cách giao tiếp và cách hợp tác với các bên liên quan

  • Giao tiếp hiệu quả là điều tối quan trọng đối với người quản lý sản phẩm, vì bạn sẽ làm việc chặt chẽ với nhiều người khác nhau.
  • Giao tiếp hiệu quả không có nghĩa là bạn chỉ biết nói và người khác lắng nghe. Đây là mối quan hệ hai chiều.
  • Bạn có thể cần truyền đạt ý tưởng, cảm xúc hoặc những gì cần diễn ra trên sản phẩm và chúng liên quan đến việc lắng nghe, ngôn ngữ nói, sự quan sát và khả năng đồng cảm.
  • Tạo động lực cho các bên liên quan là một trong những năng lực mềm quan trọng cần có để tăng sự hợp tác toàn diện giữa các đối tượng làm sản phẩm.
  • Khi nói về sự hợp tác: Không có từ “tôi” trong quản lý sản phẩm.
  • Product Manager cần có khả năng nói ngôn ngữ của nhiều lĩnh vực và đóng vai trò là người chuyển đổi thông tin giữa các lĩnh vực đó thành giải pháp cho các vấn đề của khách hàng.

Tích hợp "Sở thích" với "Kỹ năng"

Trong bối cảnh này, điều quan trọng là các bạn phải hiểu rõ sở thích và khả năng của chính mình, để xác định các phần quan trọng về Product Management có liên quan mà bạn có thể tập trung vào ngay từ đầu. Ngay cả khi có những thay đổi không ngờ đến trong những năm tháng về sau, bạn vẫn có thể học cách tồn tại trong thời kỳ đó vì những sự thay đổi này có thể vẫn phù hợp với sở thích và khả năng của bạn.

Sau khi tốt nghiệp và thực tập về một dự án về Search Engine, một dự án về Finance, tôi đã lập tức chuyển sang mảng Product Management cho các sản phẩm tập trung vào CMS, Finance. Tôi thực sự hơi miễn cưỡng lúc đầu. Một mặt tôi vẫn thích viết code và nghiền ngẫm các giải pháp, nhưng tôi cũng thực sự hào hứng với ý tưởng có tác động rộng hơn và vai trò chiến lược hơn với một nhóm người dùng cụ thể.

Thậm chí tôi cũng đã ngắt một vài bông hoa và bắt đầu chơi trò “ngắt cánh hoa chẵn-lẻ” để đưa ra quyết định.

Bản chất tôi là nửa hướng nội, nửa hướng ngoại nên việc chuyển đổi sang Product Management cũng đã khiến tôi phải luyện tập, điều chỉnh nhiều thứ về bản thân để có thể giữ được năng lượng cần thiết cho những lúc quan trọng. Giao tiếp cần thiết có thể tốn rất nhiều năng lượng nếu bạn là người hướng nội hơn. Tuy nhiên, tác động mà bạn có thể tạo ra là rất lớn và ít nhất đối với bản thân tôi, điều này là động lực để tôi đi tiếp với sự lựa chọn này.

Tôi muốn nói rằng các Product Manager là những người giỏi trong nhiều lĩnh vực liên quan đến làm và quản lý sản phẩm, có thể họ không phải là bậc thầy của bất cứ thứ gì, nhưng ý tôi là họ giỏi theo cách tốt nhất có thể. Quản lý sản phẩm là một bộ nguyên tắc liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh doanh cho dù đó là thành công của khách hàng, hỗ trợ, bán hàng, UX và thiết kế đồ hoạ hay làm marketing, vì vậy các kỹ năng cần thiết để thành công trong vai trò Product Manager cũng khá đa dạng.

Bạn có thể muốn xem xét con đường sự nghiệp của người Product Manager nếu bạn trả lời “Có” cho cả 4 câu hỏi sau đây, thì đó là một dấu hiệu tốt cho thấy vai trò quản lý sản phẩm có thể là một lựa chọn nghề nghiệp tốt đối với bạn.

✅ Bạn luôn nghĩ đến khách hàng

  • Tôi đã trực tiếp trải nghiệm những vấn đề mà khách hàng đang cố gắng giải quyết và muốn tạo ra ảnh hưởng lớn hơn đối với hướng đi của sản phẩm. Khả năng đồng cảm và tư duy tò mò, khám phá sâu về các vấn đề của khách hàng là điều kiện tiên quyết quan trọng đối với vai trò Product Manager.

✅ Bạn thích giải quyết vấn đề

  • Cho dù đó là các vấn đề nhỏ đến từ đời sống hàng ngày của bạn.
  • Nếu bạn không giải quyết nó, bạn sẽ thấy không hài lòng với bản thân mình.

✅ Bạn không ngại thừa nhận sai lầm

  • Tự học hỏi từ chính sai lầm đó và nhanh chóng thay đổi hướng đi khi cần thiết.
  • Mức độ thoải mái của bạn khi đối mặt với thất bại khi nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn là gì? Bạn có thể trả lời được không?

✅ Bạn có thể bảo vệ quyết định của bạn trước nhiều bên liên quan.

  • Bảo vệ quyết định của bạn không đồng nghĩa với "Say No" trong các buổi thảo luận.
  • Bạn cần đưa ra lập luận, dẫn chứng để thuyết phục các bên liên quan vì sao quyết định của bạn lúc này thực sự đáng để cân nhắc.

Tìm kiếm vị trí công việc phù hợp

Tôi thực sự khyên các bạn nên hiểu rõ những gì bạn đang tìm kiếm hoặc những gì quan trọng nhất đối với bạn. Các vai trò quản lý sản phẩm tốt nhất dành cho bạn sẽ luôn là những vai trò phù hợp với 4 yếu tố: đam mê, sở thích, giá trị và mục tiêu của bạn.

✅ Về ngành, thị trường

  • Bạn quan tâm đến loại ngành nghề nào nhất? Chơi game, âm nhạc, thể thao, công nghệ? Bạn càng cụ thể thì càng tốt. Trong khuôn khổ của bài viết này thì tôi chỉ có thể nói về mảng công nghệ – tức là những sản phẩm liên quan đến công nghệ.

✅ Vai trò cụ thể trong công việc

  • Những vai trò bạn đang tìm kiếm cụ thể là gì? Bạn đang tìm kiếm một vai trò thực tập hay vai trò entry-level? Bạn đang tìm kiếm vai trò cấp cao đầu tiên của mình, hoặc có thể bạn muốn thực hiện bước tiếp theo trong vai trò quản một nhóm?

✅ Vị trí, địa điểm công việc

  • Vị trí có quan trọng không? Bạn có muốn được làm việc từ xa hay làm 50-50 thời gian ở nhà/công ty? Bạn muốn gần gũi với gia đình?

✅ Loại hình công ty

  • Bất kỳ công ty hoặc loại công ty cụ thể nào mà bạn quan tâm, như start-up, B2B hoặc B2C?

✅ Các giá trị cốt lõi

  • Điều gì là quan trọng nhất đối với bạn? Đó có phải là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống? Khả năng tạo ảnh hưởng? Công nghệ làm sản phẩm tốt? Môi trường minh bạch và thẳng thắn? Lương thưởng cao, phúc lợi tốt?

Khi xem xét vai trò quản lý sản phẩm, tôi khuyên bạn không nên nhấn mạnh chức danh công việc và nên dựa nhiều hơn vào các trách nhiệm công việc được liệt kê trong mô tả công việc của công ty. Bạn nên tìm hiểu điều này nếu có cơ hội nhận được lịch phỏng vấn.

Trách nhiệm công việc cung cấp cho bạn một bức tranh chính xác hơn về các hoạt động hàng ngày và trọng tâm của vai trò khi thực hiện lộ trình sản phẩm.

Khi phỏng vấn các vai trò Product Manager, tôi tìm kiếm sự cân bằng giữa các kỹ năng và trách nhiệm mà tôi đã có với những kỹ năng và trách nhiệm mà tôi muốn học hỏi từ những ứng viên. Bạn hoàn toàn có thể làm điều tương tự với người phỏng vấn mình.

Sau khi đánh giá các yếu tố khác như lương, phúc lợi, môi trường, yếu tố cuối cùng để biết vai trò phù hợp với bạn hay không chính là cảm giác được kết nối và cảm giác thuộc về một nơi nào đó. Nếu bạn cảm thấy có mối liên hệ chặt chẽ với nơi bạn có khả năng tham gia làm và cảm giác thân thuộc đó có khả năng giúp bạn ưu tiên các lựa chọn của mình thì bạn hãy cân nhắc về quyết định đó.