Product Management: học thực chiến hay học thực hành?
Phân biệt chia sẻ và đào tạo: có nhiều khóa học bị vướng vào câu chuyện chia sẻ lại thông tin (dịch, biên soạn lại từ sách tiếng Anh hoặc các khóa học khác) hoặc giảng dạy kiến thức từ kinh nghiệm của bản thân.
Thực chiến
Tôi tra Google thì thấy từ thực chiến trong tiếng Anh là "real combat". Còn nói một cách Việt Nam hơn thì gọi là "học đi đôi với hành". Bản chất từ này nó chỉ có vậy.
Thực chiến thường được sử dụng trong võ thuật, đó là hình thức võ thuật thực chiến. Có nghĩa là đấu võ (combat) trong hoàn cảnh thực tế. Hiểu một cách đơn giản thực chiến trong công việc là ta làm việc có hiệu suất và có kết quả. Để trở thành một người có kỹ năng thực chiến bạn phải có hai yếu tố: làm việc có hiệu suất và đưa ra kết quả có thể đo lường được.
Dạo gần đây tôi được nhìn thấy các quảng cáo về các khóa học mà các khóa này có chung một cách đặt tên + kèm từ khóa "thực chiến" kiểu như:
- Bán hàng thực chiến
- Đồ họa thực chiến
- Tiếng Anh thực chiến
Như này có khi đến một lúc nào đó sẽ có các khóa học nghề như: Làm bánh mì thực chiến, Bán bún thực chiến, vân vân mây mây.
Việc kèm từ khóa "thực chiến" vào tên các khóa học vốn dĩ không có vấn đề gì, chỉ là bản thân từ "thực chiến" có thể gây hiểu nhầm cho người học, học xong rồi sẽ ngộ nhận, dẫn đến lúc làm việc trong thực tế không như mong đợi.
Vì rốt cuộc, bản thân thực chiến nó là một quá trình, chứ không phải danh xưng.
Ngay cả phía người dạy cũng có thể đã hiểu sai hoặc cố tình làm sai ý nghĩa thật sự của việc "học đi đôi với hành".
Thực hành
Thực hành trong tiếng Anh là practice. Thường người ta hay nói là "học qua thực hành". Khi thực hành chúng ta sẽ có kinh nghiệm, và tích lũy kinh nghiệm dần dần theo thời gian.
Chúng ta có một vài loại kinh nghiệm phổ biến sau:
- Kinh nghiệm thực tế (practical experience): ví dụ bạn đi phỏng vấn thì thường bên phỏng vấn bạn sẽ yêu cầu một số kinh nghiệm thực tế của bạn như cách phát triển một sản phẩm thực sự sẽ như thế nào, cách bạn teamwork ra sao, cách bạn giải quyết rủi ro theo hình thức nào.
- Kinh nghiệm ngoài đời thực (real-life experience)
- Kinh nghiệm thực tiễn (hands-on experience): ví dụ bạn làm việc 5 năm tại công ty, bạn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn thông qua tự học, hiểu sản phẩm công ty, hiểu nghiệp vụ từ các đồng đội khác. Chính vì vậy trong tiếng Anh nó có từ hands-on để giải thích bản chất của loại kinh nghiệm này.
Bạn có thể học được từ kinh nghiệm của người khác, nhưng bạn phải ở chung bối cảnh và nguồn lực như người đó thì việc học này mới thực sự có kết quả.
Về Product Management
Trong các bài viết trước tôi có nhấn mạnh rằng Product Management thiên về thực hành nhiều hơn.
Quay lại cái chuyện học, cần làm rõ đầy đủ mối quan hệ của dạy và học. Tức là người dạy và người học.
Về phía người học:
- Bạn xác định học để phát triển con đường riêng trong ngành Product Management. Người thành công cũng chưa chắc là hình mẫu để bạn sao chép 100%, vì nguồn lực và bối cảnh công việc của họ chưa chắc đã áp dụng được cho bạn, có khi lại khác hẳn hoàn toàn.
- Bạn phải phân biệt được đâu là kiến thức, đâu chỉ là lý thuyết thuần túy, và đâu là đào tạo (từ khóa học) . Có nhiều khóa học bị vướng vào câu chuyện chia sẻ lại thông tin (dịch, biên soạn lại từ sách tiếng Anh hoặc các khóa học khác) hoặc giảng dạy kiến thức từ kinh nghiệm của bản thân.
- Bạn phải hiểu rõ rằng việc bạn học xong một hoặc nhiều khóa học thì chưa chắc bạn đã xin được việc thành công. Cho dù khóa học ấy cam kết với bạn rằng học xong bạn sẽ kiếm được việc.
- Nếu bạn theo đuổi việc học thực chiến nửa vời, chỉ mong sao chép case study của người dạy để từ đó có thể trở thành như người dạy thì mong muốn đó có thể vẫn không sai, nhưng nó không đủ bởi vì case study bạn đang theo đuổi nó chỉ đúng trong bối cảnh và nguồn lực của chính họ. Điều gì đảm bảo bạn hoặc những người khác sẽ thành công giống người đó khi mà bối cảnh khác nhau và nguồn lực của mỗi người là vô cùng khác nhau?
- Nếu bạn học ban đầu thấy hay, nhưng dần nhận ra không áp dụng được thì bạn cần cân nhắc lại sự lựa chọn của mình.
- Nếu khóa học dạy cho bạn cách làm thế nào trở thành một người giống như người dạy thì bạn cũng nên cân nhắc lại các lựa chọn khác phù hợp hơn, trừ khi chính bạn muốn như thế từ đầu.
Về phía người dạy: để nắm bắt được việc chọn người dạy trong khóa học đó có phải là sự lựa chọn phù hợp không, bạn nên xem qua checklist sau.
- Người dạy tất nhiên hẳn phải có một vài case study thành công tại nơi họ từng làm việc. Nếu họ chỉ đơn giản chia sẻ lại những gì thực tế họ đã làm, và đóng gói thành khóa học thì khả năng cao họ đang không cung cấp việc Đào tạo cho bạn, mà họ chỉ chia sẻ kinh nghiệm thôi.
- Việc một người chia sẻ lại kinh nghiệm (có thu phí) là điều bình thường, không ai có quyền phán xét họ. Còn việc lựa chọn là việc của bạn.
- Nếu người dạy chưa có quá trình nghiên cứu toàn diện, thì những kiến thức người đó truyền tải thường sẽ mang tính một chiều, nó có thể thành công trong một số trường hợp cụ thể. Việc này mang lại nhiều may rủi vì bạn có thể lúc học thì thấy hay nhưng lúc áp dụng thì không hiệu quả với chính bạn.
Comments ()